T2. Th4 7th, 2025 12:41:35 AM

Năm Ất Tỵ 2025 có 2 ngày đẹp, thích hợp để tiến hành nghi lễ cúng Rằm tháng Giêng, hứa hẹn cả năm được bình an, gặp hung hóa cát.

Báo Tiền Phong đăng bài: “Có 4 khung giờ đại cát, đại lộc để cúng Rằm tháng Giêng 2025”, với nội dung sau: 

Rằm tháng Giêng còn được gọi là Tết Nguyên tiêu, Tết Thượng Nguyên. Dân gian có câu “Cúng quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng” hay “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng”, nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của nghi lễ này trong đời sống văn hóa tâm linh của dân tộc.

Theo Lịch vạn niên, Rằm tháng Giêng năm 2025 rơi vào thứ Tư, ngày 12/2/2025 Dương lịch. Lịch can chi là ngày Nhâm Tý, ngày Hoàng đạo. Đây được đánh giá ngày cát lành, thích hợp để thực hiện nghi lễ cúng Rằm.

Cúng rằm tháng Giêng ở nhà hay ở chùa đều được, nếu sắp xếp được thời gian, gia chủ có thể tiến hành cúng cả hai nơi. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng.

Trong ngày chính Rằm tháng Giêng năm 2025 có 4 khung giờ đại cát để tiến hành lễ cúng gồm:

Giờ Quý Mão (5h-7h): Giờ Ngọc Đường rất tốt cho khởi sự mới, tiến hành các nghi lễ cầu cúng linh thiêng, sau này làm việc gì cũng được quý nhân tương trợ, nâng đỡ, đạt thành công ngoài mong đợi.

Giờ Bính Ngọ (11h-13h): Giờ Tư Mệnh được xem là khung giờ đại cát để tiến hành cúng Rằm tháng Giêng. Đây là thời điểm Phật giáng thế, nghiệm chứng lòng thành cho gia chủ, giúp công việc làm ăn thuận lợi, cuộc sống sung túc, bình an và hạnh phúc viên mãn.

Giờ Mậu Thân (15h-17h): Giờ Thanh Long rất tốt cho khởi sự. Tiến hành cúng Rằm tháng Giêng vào giờ này thì mưu sự thuận lợi, nhất là việc kết hôn, thành gia lập thất lại càng viên mãn.

Giờ Kỷ Dậu (17h-19h): Giờ Minh Đường được xem là một trong những khung giờ đẹp để tiến hành cúng Rằm tháng Giêng. Cúng Rằm tháng Giêng vào giờ này làm gì cũng có quý nhân phù trợ, thích hợp để lập nghiệp, bắt đầu công việc mới.

Ngoài ngày chính Rằm, thì ngày 14 tháng Giêng (tức 11/2 dương lịch) năm nay cũng được đánh giá là ngày đẹp để tiến hành nghi lễ cúng khấn. Có các khung giờ đẹp để cúng Rằm trong ngày 14 âm lịch gồm giờ Nhâm Thìn (7h-9h), giờ Giáp Ngọ (11h-13h), giờ Ất Mùi (13h-15h), giờ Mậu Tuất (19h-21h).

Những lưu ý khi cúng rằm tháng Giêng 2025

Cúng rằm tháng Giêng ở nhà hay ở chùa đều được, nếu sắp xếp được thời gian, gia chủ có thể tiến hành cúng cả hai nơi.

Về mâm lễ sẽ tùy vào phong tục từng nơi cũng như điều kiện kinh tế gia đình sẽ khác nhau. Đôi khi, lễ vật chỉ mang tính tượng trưng, không cần quá cầu kỳ, xa xỉ, quan trọng là thể hiện tấm lòng thành kính đối với ông bà, tổ tiên và tâm thiện, hướng về Phật, Thánh, thần linh.

Khi làm lễ ở chùa, gia chủ chuẩn bị lễ chay dâng Phật, Thánh, mục đích vẫn là cầu mong sức khỏe, bình an, gia đình hòa thuận, yên ấm.

Ở nhiều nơi có lệ cúng dâng sao giải hạn vào ngày Rằm tháng Giêng. Nghi lễ này được thực hiện ở chùa, đền với mong ước giảm trừ bớt tai ách nếu có sao xấu chiếu mạng.

Tuy nhiên, trong giáo lý nhà Phật không hề có lễ nghi dâng sao giải hạn. Việc làm lễ cúng dâng sao giải hạn ở nhà hay ở chùa thực chất không quá quan trọng.

Các chùa gần đây tổ chức việc cúng sao để làm lễ cầu an cho dân chúng, coi đó là cơ hội để giáo hóa dân chúng về đạo Phật, về luật nhân quả, để mọi người năng làm việc thiện, bỏ làm việc ác, hướng tâm về thiện…

Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa từng lên tiếng cảnh báo việc người dân đổ xô đi làm lễ dâng sao giải được coi là mê tín dị đoan.

Thực tế việc dâng sao giải hạn không mang lại lợi ích thực tế mà chỉ gây lãng phí tiền bạc.

Về cúng Rằm tháng Giêng, báo Vietnamnet đăng bài: “Mâm cúng Rằm tháng Giêng năm 2025 đúng truyền thống và đầy đủ nhất”. Cụ thể như sau: 

Rằm tháng Giêng hay còn gọi là lễ Thượng nguyên, tết Nguyên tiêu. Năm nay, ngày rằm đầu tiên của năm, tức ngày 15/1 âm lịch nhằm ngày 12/2 dương lịch.

Người Việt quan niệm, Rằm tháng Giêng là ăn Tết lại một lần nữa nên thường chuẩn bị mâm cỗ cúng rất chu đáo.

Nghệ nhân ẩm thực Phạm Thị Ánh Tuyết (Hà Nội) cho biết, mâm cúng Rằm tháng Giêng đúng theo truyền thống gồm: Mâm cỗ chay cúng trời Phật và mâm cỗ mặn cúng gia tiên.

Mâm cỗ chay cúng trời Phật gồm: Hoa quả, chè xôi, các món đậu, bánh trôi nước… Điểm đặc biệt trên mâm cỗ chay là sự hiện diện của bánh trôi nước. Ý nghĩa của việc ăn bánh trôi ngày tết Nguyên tiêu là mong muốn mọi việc hanh thông, trôi chảy.

Mâm cỗ mặn cúng gia tiên vào lễ Rằm tháng Giêng. Ảnh: Vũ Thu Hương

Mâm lễ mặn cúng gia tiên thường được chuẩn bị tùy theo vùng miền và điều kiện kinh tế của mỗi gia đình. Miền Bắc có chân giò hầm măng khô, canh bóng thả, nem rán thì miền Trung cúng thịt lợn, giá chua, giò chả…

Trong khi đó, người dân miền Nam lại cúng Rằm tháng Giêng với canh khổ qua, thịt kho tàu, gỏi tôm thịt…

Ngoài thức ăn, mâm cúng Rằm tháng Giêng không thể thiếu các đồ lễ như: Hương, hoa tươi, đèn nến, trầu cau, rượu…

Nghệ nhân Ánh Tuyết chia sẻ: “Nhiều gia đình quan niệm mâm cúng Rằm tháng Giêng phải to, nhiều món ăn. Quan niệm này không còn phù hợp với hoàn cảnh của các gia đình trẻ, ít người.

Rằm tháng Giêng không nhất thiết phải bày biện mâm cao cỗ đầy. Gia chủ nên tùy tiền biện lễ sao cho phù hợp, tránh lãng phí”.

Mâm cỗ chay cúng Rằm tháng Giêng. Ảnh: Vũ Thu Hương

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Trọng Tuệ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kiến trúc và Văn hóa phương Đông cho biết, vào Rằm tháng Giêng, dân gian sẽ bày hương án ngoài trời, viết bài vị Thiên Quan Tứ Phúc và dâng đồ lễ gồm hoa quả, vật thực. Lễ cúng nhằm mục đích cầu mong được ban phúc, tiêu tai giải hạn…

Nhiều người cho rằng, Rằm tháng Giêng làm lễ cúng thật to, đốt vàng mã thể hiện lòng thành thì cả năm sẽ may mắn, thuận lợi. Tuy nhiên, quan niệm này không đúng và ngày càng biến tướng.

“Việc cúng Rằm tháng Giêng là tín ngưỡng dân gian, mang nét đẹp văn hóa truyền thống. Cúng lễ cốt ở thành tâm, không nên suy diễn thành ra mê tín.

Thiên địa vốn công bằng, tốt hay không là ở suy nghĩ và hành động của mỗi con người. Nếu làm những việc trái với đạo lý, xã hội thì cúng lễ nhiều cũng chẳng có ích gì”, ông Tuệ đưa ra lời khuyên.

By admin

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *